Nhớ mãi một mái trường

Thứ bảy - 21/05/2011 03:10
Tôi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, những ngày cuối năm cái nắng vàng hoe trong buổi chiều hiu quạnh như muốn kéo tôi về với những kỷ niệm xưa. Phan Thiết đã bước vào giữa mùa khô thời tiết hơi se lạnh. Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới. Ký ức về trường, về lớp và những kỷ niệm xưa chợt ùa về trong tôi.
Có người từng ví cuộc đời con người như một chuyến tàu chở đầy những kỷ niệm vui, buồn, thương nhớ mà mỗi nhà ga, mỗi trạm dừng là một dấu ấn khó quên. Triết lý này tôi đã đọc ở đâu đó, không biết có đúng với tất cả, nhưng với Tôi qủa đúng như vậy. Khi chuẩn bị bước sang cái dốc bên kia cuộc đời, ở vào cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần, cái tuổi “Tri thiên mệnh” người ta thường suy ngẫm và hoài niệm. Có lẽ chỉ khi ấy mới thấy thấm thía rằng, trong một hành trình, cuộc đời là “một cõi đi Về”. Có những nơi dù chỉ một lần đi qua, một lần dừng chân, suốt đời ta không bao giờ quên được.

Với tôi, Trường Đại học PCCC - nơi tôi đã từng học tập, rèn luyện (ngày ấy là Trường Cao đẳng PCCC), luôn lắng đọng trong tôi đầy ắp những kỷ niệm, dù có đi nơi đâu vẫn nhớ về với bao kỷ niệm lưu luyến. Bởi chính nơi ấy đã ghi dấu ấn bước ngoặt cuộc đời tôi, nơi gieo vào trong tôi nhân cách, tri thức mà cho đến ngày nay, cứ mỗi ngày qua đi tôi lại càng thấy thêm giá trị đích thực của nó.

Đã hơn 20 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in lần đầu đến trường, dừng chân bến tàu điện Thanh Xuân, đi chừng 2km, băng qua cánh đồng theo con đường nhỏ mới đến được trường. Dấu ấn đầu tiên đến giờ tôi vẫn không sao quên được, đó là buổi tiếp đón học viên mới nhập học, không khí nhà trường trang nghiêm, giản dị mà ấm áp tình người. Là một trong số cán bộ từ miền Nam ra học, tôi được các anh chị trong phòng chính trị quan tâm hơn cả. Hôm ấy, tôi vừa làm các thủ tục nhập học, vừa được các anh chị hỏi han, trò chuyện về công tác PCCC ở địa phương, về khoá học sắp tới, về tình hình chung của xã hội và xu hướng phát triển công tác PCCC. Với tôi, đó là những hiểu biết đầu tiên về trường PCCC về lĩnh vực mình chuẩn bị được học mà trước đó còn nhiều điều tôi chưa biết đến.

Ngày ấy, trường còn nghèo lắm, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, ngoài mấy dãy nhà cấp bốn, vừa là giảng đường, vừa là nơi ký túc xá của học viên. Phòng thí nghiệm, thư viện nghèo nàn, giáo trình do các thầy tự biên soạn hoặc dịch từ bản tiếng Nga in trên một loại giấy màu xám một mặt (ngày ấy gọi là giấy gia công) vậy mà vẫn không đủ cho tất cả học sinh. Cuộc sống của thầy và trò tuy khó khăn là vậy nhưng tinh thần học tập rất cao, chúng tôi cảm nhận được lòng quyết tâm, tinh thần cố gắng, sự nhiệt tình, say mê nghề nghiệp của các thầy cô. Khó có thể quên được những tiết học với những kiến thức bổ ích, quý báu của các thầy, các cô để đến khi ra trường nó là hành trang không gì quý hơn giúp chúng tôi vững bước trên con đường công tác và trưởng thành như ngày hôm nay.

Hôm nay, đại đa số học viên khoá D2 chúng tôi khi trở về các đơn vị công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhiều đồng chí đã trưởng thành, là cán bộ cốt cán của lực lượng PCCC ở địa phương. Song điều có thể khẳng định, để có những lớp học sinh ra trường, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nghiệp vụ chuyên môn sắc bén, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao ở mọi miền đất nước thì không thể không kể đến sự dày công giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc của các thầy cô giáo, của CBCNV nhà trường. Đó cũng chính là nhờ có môi trường rèn luyện với tính kỷ luật cao song cũng thấm đượm tình người sâu sắc của các thầy chủ nhiệm, Ban quản lý học viên. Giờ nào, việc ấy, nếp sinh hoạt tưởng chừng như rất khắt khe đã tạo cho chúng tôi phong cách sống nghiêm túc, cần kiệm. Tuy cuộc sống vật chất ngày ấy khó khăn nhưng đời sống tinh thần cũng rất phong phú nhờ những sáng kiến tự biên, tự diễn của thầy và trò chúng tôi. Những buổi sinh hoạt văn nghệ “cây nhà, là vườn” buổi tối, những trò chơi đố vui lúc giải lao được góp nhặt từ khắp mọi miền Tổ quốc đã làm cho chúng tôi ngày càng gắn bó với nhau hơn. Và còn nhiều hoạt động của phong trào Đoàn, lao động Cộng sản, hoạt động văn hoá thể thao thật sôi động đã khiến tuổi trẻ chúng tôi thật say mê, càng thấy yêu mến mái trường mình đang học tập.

Tôi vẫn nhớ ngày ấy, để chuẩn bị xây dựng khu giảng đường mới, cả thày và trò chúng tôi vừa phải lên lớp, vừa phải tham gia lao động. Cả trường khi ấy như một công trường hối hả. Đóng gạch, vận chuyển vật tư, tăng gia sản xuất…rồi những đêm giao lưu kết nghĩa, hội diễn văn nghệ, mít tinh…ai ai cũng tất bật, náo nức, vui tươi.

Thời gian trôi đi, mọi chuyện tưởng như mới hôm qua vậy mà đã mấy mươi năm. Trường Đại học PCCC bây giờ khác xưa nhiều lắm. Cơ sở vật chất hiện đại, các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện có thể sánh vai với các trường Đại học trong cả nước. Đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, trẻ trung, năng động. Nhiều thế hệ học sinh năm xưa nay đã trở thành thầy giáo, cô giáo về đây tiếp bước cha anh đi trước xây dựng trường, lớp. Nhưng có lẽ, chẳng ai có thể quên được những năm tháng đã đi qua, cho ta nhiều kỷ niệm. Với tôi, trường Đại học PCCC luôn là một thời để nhớ, để thương, đậm sâu trong ký ức, nơi đã rèn luyện để tôi bước vào đời.

Mùa xuân về, cho tôi gửi lòng tri ân tới các thầy cô giáo, các CBCNV nhà trường, những người tôi hằng kính trọng mến yêu. Dù phải xa nơi này, ở bất cứ nơi đâu nhưng Trường Đại học PCCC vẫn mãi mãi trong ký ức của tôi.

Tác giả: Lê Huy Bình

Nguồn tin: ĐH PCCC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sơ đồ tổ chức

Sơ đồ tổ chức THIDACO

Thăm dò ý kiến

Có nên thực hiện các đợt khuyến mãi sản phẩm?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi