Số 1 trong một đội hình lớn

Thứ ba - 11/10/2011 00:55
Mùa xuân, mùa xuân, lại một mùa xuân nữa đang chạm ngõ từng mái ấm gia đình. Không khí xuân đang len lỏi đến từng ngõ ngách, đến từng thớ lá, nhụy hoa


. Lại một mùa xuân nữa chúng tôi - những người lính PCCC thành phố mang tên Bác sẽ vui trong niềm vui thanh bình đất nước, hân hoan theo từng bước du xuân thảnh thơi của những gương mặt rạng rỡ những nụ cười hạnh phúc. Vâng! Hạnh phúc là một phạm trù rất rộng và chưa có ai đưa ra được một định nghĩa trọn vẹn về trạng thái tâm lý đặc biệt này. Đối với đại đa số người, hạnh phúc là cơm no, áo ấm, gia đình hòa thuận, sức khỏe, công danh và tiền tài. Đối với một số người mang chí lớn, vì hạnh phúc của nhân loại thì hạnh phúc là hòa bình, tự do, độc lập, chủ quyền… Còn đối với chúng tôi, tất nhiên cũng có những nhận định về hạnh phúc như vậy hoặc tương tự. Nhưng ngoài việc là một con người bình thường, chúng tôi còn là những người lính. Mà khi khoác lên mình màu áo của lính, chúng tôi còn phải biết và phải luôn luôn đặt một quan niệm về hạnh phúc lên hàng đầu, đó là: hạnh phúc của nhân dân chính là hạnh phúc của chính mình.

Nhận thức sâu sắc được điều ấy nên chúng tôi đều luôn sống hết mình cho công việc. Cho dù giữa cuộc sống phồn hoa đô thị đầy cám dỗ về vật chất, giá cả đã được xếp vào loại đắt đỏ nhất nhì cả nước, thậm chí còn có “thứ hạng” cao trên toàn thế giới. Trong khi đó vật giá như cái thang không có bậc cuối cùng, mà cứ leo và leo mãi hết nấc này đến nấc khác. Chúng tôi vẫn chỉ sống bằng những đồng lương khiêm tốn, tiện tằn. Cuộc sống đầy dẫy những lo toan đời thường là thế. Nhưng ở nơi đây vẫn luôn luôn có những nụ cười nhân ái dành cho nhau, vẫn luôn luôn có được sự bình đẳng giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Vẫn có sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau đến từng giờ, từng phút. Cho dù bạn là ai? Dù bạn là người chỉ huy cao nhất hay bạn là anh hạ sỹ tân binh mới qua đào tạo ngắn hạn, thậm chí mặt còn… búng ra sữa, còn bỡ ngỡ khi vừa về nhận nhiệm vụ tại một đơn vị mới tinh!

Bởi vì sao tôi dám khẳng định với quí vị và các bạn như vậy ư? Để viện dẫn ra những chứng cứ thì có vô vàn. Vì đó là chuyện của người thật, việc thật, nên tất nhiên lý do toàn là chính xác, thuyết phục cả. Vì vậy, nói ra sẽ rất nhiều và thật nhiều, không có giấy bút nào truyền tải hết được. “Ý tại ngôn ngoại” mà “thư bất tận ngôn”. Tại khuôn khổ của trang báo, bài viết cũng có hạn hữu nhất định. Vì vậy, tôi xin được kể ra đây một mẩu chuyện nhỏ và rất nhỏ thôi. Nhưng sau khi đọc hết bài viết này, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ.

Đó là một khoảng khắc diễn ra rất ngắn ngủi nhưng tôi không thể nào quên được. Đúng! Không thể bao giờ. Hình ảnh ấy đã làm tôi lớn khôn thêm, đã làm tôi lập tức vững vàng trở lại với những giây phút bất chợt xao lòng vì những khó khăn trong công việc. Và chắc chắn rằng nó sẽ là hành trang vô giá theo tôi suốt cuộc đời của lính, để tôi soi rọi mỗi khi có những trở ngại không mong đợi tìm đến.

Vào những ngày đầu mới tạm tuyển về Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh, từ công việc đến môi trường công tác, quan hệ đồng chí, đồng đội đều chưa nắm rõ về nhiệm vụ, còn chưa quen hết những cái tên của những người hàng ngày cùng công tác bên cạnh mình. Khi ấy, tôi may mắn được công tác tại Phòng Tham mưu - nói đến đơn vị này có lẽ quí vị và các bạn có thể hình dung rất rõ công việc và tầm quan trọng của nó. Tôi tự đặt cho đơn vị này một cái tên rằng: Chảo lửa rèn luyện nhân cách, tinh thần của người chiến sỹ. Hôm ấy, là một buổi sáng đầu tuần tháng 3 năm 2009, chi bộ Phòng Tham mưu (vào thời điểm này chưa thành lập Đảng bộ Phòng) đã tổ chức sinh hoạt theo định kỳ (1). Người đảng viên đến phòng họp sớm nhất đã kịp nhìn thấy trước cửa của lối ra vào vẫn còn rác và ông lẳng lặng tìm chổi tự quét sạch chỗ rác ấy. Vào đúng thời điểm đó, tôi tình cờ bước ra hành lang của phòng làm việc, mà phòng họp này nằm ngay đối diện, nên mọi việc tôi đã may mắn được chứng kiến tận mắt từ đầu đến cuối. Quan sát cho thấy nét mặt ông rất thản nhiên, thản nhiên đến độ phải làm tôi… kinh ngạc! Ông xem như một việc bình thường như tất cả các việc bình thường khác. Trên nét mặt và cử chỉ, hành động của ông làm tôi như cảm nhận được một điều: Ông làm việc đó rất chân thành mà không vì một động cơ nào khác, không vì làm để biểu diễn hay răn đe một ai đó. Lúc ấy, mặc dù không phải là phóng viên, nhà báo hay nhiếp ảnh gia và đặc biệt trong tay không có máy chụp hình, nhưng trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ phải ghi lại được khoảng khắc tuyệt đẹp này. Tôi loay hoay mãi và quyết định lấy điện thoại ra chụp, nhưng vì là anh lính mới tinh chưa hiểu chuyện “mô, tê” gì nên tôi cũng có phần hơi sờ sợ. Và thế là tôi quyết định tìm một chỗ kín đáo để có thể chụp lén! Suy đi, tính lại xét thấy làm một việc không quang minh cũng thật không ổn chút nào. Tôi đang rất bối rối với hàng loạt những suy nghĩ mâu thuẫn, nên hay không nên và thực hiện bằng cách nào cho hợp lý. Cho đến khi tôi chưa thể đưa ra được quyết định đúng đắn thì bỗng dưng có hai đồng chí nữ chiến sỹ xuất hiện một cách rất khẩn trương, vội vàng chạy về phía ông để giành phần quét những nhát chổi mà gần như đã là cuối cùng rồi. Ông ngước mắt lên cười rất tươi, thật bình thản nói với hai đồng chí chiến sỹ nữ rằng: Để chú quét cũng có sao đâu? Vâng! Hình ảnh ấy, khoảng khắc ấy thật đẹp và đầy ấn tượng. Rất tiếc, thật rất tiếc rằng tôi không thể ghi lại được. Nhưng cho dù vậy, thì nó vẫn in đậm và rất rõ ràng trong tôi mỗi lúc nghĩ về ông hay được gặp gỡ ông.

Trình độ chuyên môn của tôi là Cử nhân Luật và tôi đã được phân công nhiệm vụ về làm công tác pháp chế đúng với sở trường, ngành học của mình. Và nếu vậy, thì tôi sẽ ít có cơ hội được gặp ông vì đặc thù công việc. Nhưng có thể như một cơ duyên nào đó sắp đặt, đầu tháng 4 năm 2010 - tháng Tư lịch sử của miền Nam được giải phóng, của ngày đất nước vẹn tròn một dải - tôi đã được điều động về làm cán bộ tuyên truyền. Chính từ thời khắc quan trọng ấy, do đặc thù công tác nên tôi luôn có cơ hội tiếp xúc với ông. Và không chỉ như vậy mà trong nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo… có ông đến dự và tôi được cử đi dự nắm thông tin viết bài, tôi đều chăm chú lắng nghe ông phát biểu, luôn ghi chép tỉ mỉ những gì ông nói. Chính vì thế tôi có cơ hội để hiểu được ít nhiều về con người ông, cho dù đó chỉ là những dự cảm chủ quan. Qua mỗi từng trang viết, tôi thấy mình học hỏi được từ ông rất nhiều, nó cứ ngấm dần, thấm mãi và có sức nặng ảnh hưởng tới từng câu chữ mỗi khi tôi cầm bút. Bởi ông là một vị lãnh đạo đầy tâm huyết, kiến thức chuyên ngành vững chắc, phương pháp luận, cách thức truyền đạt sâu sắc mà dễ hiểu, dễ thực hiện. Khi ông phát biểu được diễn đạt bằng văn nói, khi tôi viết lại phải diễn đạt bằng văn viết. Trong khi đó, thực sự tôi chưa một ngày nào được học về nghiệp vụ báo chí và cũng chưa bao giờ được học về kiến thức PCCC. Chính vì vậy, để diễn đạt lại được những gì ông nói với tinh thần và trách nhiệm trung thực nhất của người cầm bút tôi đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Tôi luôn tìm tòi, học hỏi ở đồng chí, đồng đội, ở lãnh đạo và trên sách vở về báo chí, về PCCC thậm chí về tính cách con người ông. Chỉ có như vậy, tôi mới có thể thẩm thấu, ngấm sâu được từng câu chữ mà truyền đạt đủ nghĩa, hợp lý những gì ông nói. Điều ấy, không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ công việc. Nếu chỉ dừng lại ở đó tôi chỉ cần làm đủ, đúng với khả năng và hiểu biết của mình. Nhưng vì nhân cách và tài năng của ông đã thuyết phục tôi chứ không phải vì chức vụ của ông hay vì những mệnh lệnh của “nhà binh”. Cho đến mãi sau này, tôi mới biết rằng ông xuất thân từ trường Đại học An ninh nhân dân (bây giờ là Học viện An ninh nhân dân). Đề cập đến điều này vì tôi muốn nói lên một ý rằng: ông cũng là thành phần “ngoại đạo” trong lĩnh vực PCCC. Nhưng tại sao ông giỏi và am tường về nó thế? Ông có thể hiểu cặn kẽ vấn đề công việc đến thế? Những câu hỏi  dạng này có thể tôi sẽ không bao giờ tìm được đáp án thỏa đáng về nó. Nhưng tôi hiểu một điều đơn giản: vì ông đủ tâm lẫn đủ tài, chỉ điều ấy mới làm nên con người ông như thế. Ở ông toát lên được cái uy lúc cần thiết, còn ở giữa đời thường ông cũng như bao người khác: dung dị, chan hòa và dễ hiểu.

Đã rất nhiều lần theo chân ông đến nhiều nơi, lắng nghe ông phát biểu ở nhiều diễn đàn, nhưng chưa có lần nào trong phát biểu của ông lại độc đáo, mới lạ như tại buổi lễ công bố quyết định thành lập 4 đơn vị mới (thuộc Sở) vừa qua. Để nói về việc phân công, phân bổ, luân chuyển, điều động CBCS về các đơn vị mới, ông đã động viên những người nhận nhiệm vụ mới rằng việc nào cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, nếu có ai đó chưa hài lòng với vị trí công tác mới của mình thì hãy luôn nhớ lấy điều ấy. Kế tiếp, ông đã diễn đạt lại ý một câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Không ai chọn cửa mà sinh ra” và còn phụ họa thêm khi đọc câu thơ trong bài hát Một đời người, một rừng cây rất nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Long Ẩn, rằng: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng; gian khổ biết dành phần ai?! Chỉ có bấy nhiêu câu nói được viện dẫn lại của những chính khách, người nổi tiếng, ông đã được tất cả các cử tọa nhiệt liệt hưởng ứng bằng những tràng pháo tay giòn giã. Bởi vì ông biết vận dụng chuẩn xác vào những tình huống cần thiết. Những người đã hài lòng hay chưa hài lòng với vị trí công tác mới của mình thì hầu như sau câu nói ấy của ông, tất cả đều phải… rất hài lòng rồi!

Vâng! Ông chính là một người chiến sỹ số 1 trên mặt trận PCCC của thành phố. Người mà chính tôi đã rất nhiều lần viết về ông, nhưng chỉ ở khía cạnh hoạt động trong công việc. Còn hôm nay, trong hồ hởi, hân hoan bởi một mùa xuân mới với nhiều thách thức và vận hội mới. Chúng tôi - những người lính đối đầu với “giặc lửa” xin được một vài phút trở về với cuộc sống đời thường. Và ông chính là một con người rất đỗi đời thường ấy mà chúng tôi muốn nói đến. Bởi ông là một trong những đại diện tiêu biểu cho lực lượng của chúng tôi tại thành phố này. Xin được mạn phép nói về ông và gửi lời chúc tết trang trọng nhất tới gia đình ông trước thềm năm mới tết Tân Mão - 2011. Đặc biệt chúc ông - “vị thuyền trưởng đầu tiên của con tàu mang công nghệ mới nhất trong lĩnh vực PCCC tại Việt Nam” luôn luôn vững tay chèo lái “con thuyền” bước qua thời kỳ thử nghiệm để chính thức vươn tầm cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong chuyên mục Chân dung người lính chữa cháy kỳ này xin được trân trọng giới thiệu về ông: Một nhân vật mà hầu như tất cả những ai làm công tác PCCC toàn quốc đều biết đến. Đó là “người chiến sỹ chữa cháy mang quân hàm cấp tướng”: Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh: Đồng chí Trần Triều Dương.

Chú thích: (1) Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh sinh hoạt Đảng tại Đội Tổng hợp - Phòng Tham mưu.

Nguyễn Trí Công

Nguồn tin: pccc.hochiminhcity.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sơ đồ tổ chức

Sơ đồ tổ chức THIDACO

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về thiendang.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi