Muốn xây dựng cho bản thân một cuộc sống ổn định, thực sự có ý nghĩa thì không thể xem nhẹ việc lựa chọn nghề nghiệp. Để có thể chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, phù hợp thì trước hết phải hiểu rõ về bản thân mình, phải biết mình muốn những gì, thích những ngành nghề gì, và điều quan trọng là biết mình có khả năng về lĩnh vực gì? Với bản thân tôi, tôi đã chọn và yêu thích nghề chữa cháy vì lính chữa cháy là vẻ đẹp “hiện thân” của vị anh hùng bởi bạn đang làm nghề “bảo vệ” cuộc sống và tài sản cho mọi người. Sự bất cẩn có thể khiến ngọn lửa bùng lên “liếm sạch” tài sản và đôi khi cả mạng sống quý giá. Nếu bạn chọn nghề này hãy vui mừng vì chính bạn đang cố gắng giữ lại những công sức thành quả của nhân dân. Là một người lính PCCC, tôi cũng sẽ hiểu biết về luật pháp hơn nữa. Điều đó cũng rất cần thiết cho một công dân chân chính. Khi bắt đầu là công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND tôi hiểu một điều là chỉ với một bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, một ít kinh nghiệm có liên quan đến PCCC và khả năng sức khoẻ tốt sẽ là tiêu chí cho một lính cứu hoả tương lai. Sau 6 tháng được đào tạo cơ bản tại “Trung tâm Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn” tôi đã được cấp bằng sơ cấp PCCC và được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát PC&CC Trên Sông thuộc Sở Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh.
Đám cháy thật lớn, mọi người hoang mang trong sự hoảng sợ. Riêng chúng tôi, chỉ có chúng tôi là xông pha vào đám cháy, cứu người bị nạn và cứu tài sản, bảo vệ cái còn trong những cái mất. Chúng tôi âm thầm làm công việc của mình. Không mong sự trả ơn, không mong muốn một sự đền đáp. Chúng tôi chỉ mong muốn sự bình yên cho mọi người. Không ai xa lạ, chính là những người lính cứu hoả. Không chút do dự, không chút sợ hãi, chúng tôi lao vào biển lửa chỉ với một mục đích: cứu những người còn mắc kẹt bên trong và cứu công sức lao động còn sót lại trong đám cháy. Biển lửa không còn là nỗi sợ của chúng tôi, tính mạng, tài sản của nhân dân là điều quan trọng. Có lẽ trước nay, ít người trong chúng ta biết tới một công việc thầm lặng của lực lượng Cảnh sát PCCC. Ngoài công tác phòng cháy còn phải tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong các thảm hoạ, thiên tai và đặc biệt trong các đám cháy lớn, nhỏ. Hình ảnh những người lính mặt mày đỏ tía băng qua “biển” lửa, gần như kiệt sức do hít nhiều khói độc … song vẫn dũng cảm xông pha cứu người bị nạn, sẽ mãi là những dấu ấn không thể quên với người dân.
Chữa cháy nhà dân tại khu dân cư Phường 4, Quận 8
Gặp một đám cháy, thường là người xem rất đông vì bất lực hoặc do hiếu kỳ hoặc là nhìn lính chữa cháy và xe chữa cháy như thế nào? Nói về nghề chữa cháy, đây là cái nghề người ta chạy ra (khi có cháy) để tránh khỏi lưỡi lửa, còn mình thì chạy vô, “giáp lá cà” với “giặc lửa” để cứu người, cứu tài sản. Đó cũng là câu thường nói của các cán bộ chiến sĩ chữa cháy, ám chỉ sự hiểm nguy của nghề.
Một đám cháy và khung cảnh mà nó tạo ra luôn tạo nên cảm giác gì đó rất khó tả, tôi như đã nghe được lời thầm khen của người dân dành cho chúng tôi: "Những người lính chữa cháy thật là dễ thương phải không? Họ luôn sống trong lặng lẽ như thế cho đến khi nào người ta thật sự cần đến....".
Những người lính chữa cháy chúng tôi trong bộ đồ chống cháy cồng kềnh chạy tới chạy lui, la hét, vội vã. Có người vấp phải ống nước té ngã rồi nhanh chóng đứng dậy tiếp tục chạy đua với thời gian... Xung quanh tối đen vì điện đã bị ngắt, ánh đèn pha của chiếc tàu, canô chữa cháy chiếu vào họ khiến cảnh tượng giống như trên sân khấu và những người lính như những anh chàng diễn viên... Nhưng rõ ràng ở đây không có ai đang đóng kịch cả, mọi người đang làm hết sức mình vì mạng sống, tài sản của người khác đang nằm trong tay họ, mọi thứ chỉ được tính bằng giây... mỗi cử chỉ, mỗi hành động của họ đều thật cả, không có một chút "làm cảnh" nào. Bởi lẽ, những ai thích sống vì bề ngoài theo trường phái "sống biểu diễn" thì sẽ không làm nghề chữa cháy, cái nghề cả năm âm thầm chỉ có vài ngày sôi nổi, nhưng mỗi lần sôi nổi là lại đối diện với hiểm nguy...rất thật!.
Chữa cháy tại Công ty TNHH Scancia Pacific tại khu công nghiệp Tân Tạo
Bỗng dưng lòng tôi xúc động, muốn rơi nước mắt... Thì ra, quanh tôi vẫn có những con người đã sống mà không để chạy theo một cái gì khác mà sống chỉ để làm cái gì đó có ích, vậy thôi! Có lẽ họ không tự cho mình là những người anh hùng thầm lặng, nhưng dù vô tình hay cố ý thì họ cũng đã hy sinh rất nhiều cho sự an nguy của người khác, hy sinh - ít nhất là theo nghĩa mà cuộc sống ngày nay hầu như ai cũng bon chen lo cho danh, lợi…
Lính chữa cháy hy sinh nhiều lắm chứ! làm một người lính chữa cháy có nghĩa là chúng tôi sẽ không bao giờ trở nên giàu có, dẫu có thăng tiến thì đồng lương cũng chẳng thể nào bằng một cô ca sĩ hạng thường có chút nhan sắc. Công việc của chúng tôi vẫn cứ đơn giản là có – cháy – thì - chạy - tới - chữa, cứ tưởng “khổ” như tàn tro trong đám cháy…Nhưng đã mấy ai hiểu hết cho chúng tôi? Hy sinh nhiều! làm một người lính chữa cháy chúng tôi phải chấp nhận đánh đổi sự an nguy của mình cho sự an nguy của người khác.
Nét rất chung của CBCS chữa cháy ở đây là tuổi đời còn rất trẻ, có tới 2/3 là công dân phục vụ có thời hạn, tuổi mới 19, 20. Khỏe và nhiệt tình là một lợi thế, nhưng quản lý thì hơi vất vả, vì là lính mới nên chưa thể khép mình vào kỷ luật ngay được. Ngoài thời gian huấn luyện, Ban chỉ huy đội thường xuyên gần gũi giúp đỡ để chúng tôi nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới!. Trong điều kiện sân bãi phục vụ cho công tác huấn luyện của đơn vị rất tạm bợ, dụng cụ thiếu nhiều so với yêu cầu thực tế, nhưng chúng tôi vẫn giữ đúng nguyên tắc trong huấn luyện, ban chỉ huy đội luôn đưa những bài học thực hành đến với chiến sĩ một cách sinh động nhất. Nếu như các chiến sĩ chữa cháy hàng ngày “khổ luyện” nơi chốn thao trường, thì các chiến sĩ tổ công tác kiểm tra hướng dẫn an toàn PCCC lại là những chú ong cần cù, chăm chỉ trên từng phương diện công tác. Các anh đến từng địa bàn, cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật an toàn PCCC cho nhân dân, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas, các vật liệu dễ cháy, thẩm định thiết kế... nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy. Từ thực tế cho thấy: Sự thiếu kiến thức PCCC chính là nguyên nhân làm hạn chế ý thức phòng ngừa. Đa số các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có trang bị thiết bị an toàn PCCC, nhưng lại không chú ý đến việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân viên cách phòng, chống khi có tình huống xảy ra cháy, nổ. Vì thế, trách nhiệm của những người lính PCCC càng nặng nề và vất vả hơn. “Công việc nào cũng đòi hỏi sự tận tụy. Được làm việc mình thích dù cực vẫn thấy vui”.
Những người lính chữa cháy chúng tôi đều hiểu rằng biện pháp đang tập trung thực hiện trong lúc này là vận động chính quyền và nhân dân địa phương thuộc địa bàn quản lý về lĩnh vực PC&CC luôn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) và họ cũng biết rằng, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp tình thế ấy về lâu dài cần phải có được sự quan tâm đầu tư đúng mức của các ngành chức năng và sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Bài: Phạm Ngọc Ánh – Phòng Cảnh sát PC&CC Trên Sông
Ảnh: Hùynh Minh – Việt Trà
Nguồn tin: pccc.hochiminhcity.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Một số hình ảnh tham gia hội thảo NFPA 2005 tại Las Vegas, Nevada, USA - Tham gia triển lãm hội thảo Ngành PCCC và M&E 2011 tại Long Beach California, USA + Xem ảnh